Thực phẩm đông lạnh là
giải pháp tuyệt vời cho các bà nội trợ có quỹ thời gian eo hẹp. Tuy nhiên, nếu
không có những hiểu biết trong quá trình sử dụng, loại thực phẩm này có thể gây
tác hại cho sức khoẻ con người.
Dưới đây là 5 câu hỏi thường gặp khi sử dụng loại
thực phẩm này:
1. Thực phẩm đông lạnh vẫn giữ nguyên hương vị và
giá trị dinh dưỡng?
ĐÚNG. Thực phẩm đông lạnh
thường được bảo quản ở nhiệt độ âm 18OC. Ở nhiệt độ này, các loại vitamin,
lipide và protein vẫn được giữ nguyên giá trị của nó. Đối với thịt đông lạnh,
chất lượng tỷ lệ nghịch với phần trăm nước không đóng băng. Lượng nước không
đóng băng càng nhỏ, chất lượng thịt càng cao. Ở nhiệt độ âm 18OC còn khoảng 10%
nước trong thịt chưa đóng băng.
Rau và một số loại hoa
quả phải được xử lý để đảm bảo chất lượng khi đông lạnh. Bao bì dùng cho sản phẩm
đông lạnh phải hoàn toàn kín, bền chắc để đảm bảo lipide không bị ôxy hoá. Những
sản phẩm nhạy cảm với ánh sáng phải được bảo quản trong túi màu đục. Nếu bao bì
đảm bảo, các điều kiện vệ sinh và quy trình chế biến tốt thì giá trị dinh dưỡng
hoàn toàn đảm bảo.
2. Độ lạnh sẽ làm cho vi
khuẩn không thâm nhập vào thực phẩm?
ĐÚNG. Vi khuẩn và vi
sinh vật bị ức chế ở nhiệt độ lạnh, đặc biệt khi thành phần nước trong thực phẩm
kết đông lại, chúng ngừng phát triển, thậm chí còn bị tiêu diệt một phần. Khi
nhiệt độ tăng lên, các mầm vi khuẩn sẽ thức dậy và nhanh chóng sinh sôi nảy nở.
Chính vì vậy, thực phẩm
đông lạnh luôn phải giữ ở khoảng âm 18OC từ nhà máy chế biến đến tận tay
người nội trợ trong một dây chuyền: làm lạnh - kết đông - kho lạnh bảo quản - ô
tô lạnh, tàu lạnh - kho lạnh trung chuyển – kho lạnh phân phối - tủ lạnh gia
đình. Thực phẩm đông lạnh sau khi rã đông phải được chế biến hoặc ăn ngay,
không đông lạnh lại khi chưa được nấu chín.
3. Mọi sản phẩm đều có thể bảo quản đông lạnh lâu
như nhau?
SAI. Thời gian bảo quản
thực phẩm đông lạnh phụ thuộc vào thành phần, phương pháp kết đông, quy trình
công nghệ và bao bì. Về thành phần như mỡ, lipide, protit... các loại thịt càng
ít mỡ càng giữ được lâu: thịt bò lâu gấp 2 đến 3 lần thịt lợn, thịt kết đông
nhanh bảo quản lâu hơn kết đông chậm. Ở nhiệt đô âm 18OC có thể giữ thịt
bò khoảng 2,5 năm, thịt lợn nạc 1 năm, thịt mỡ 8 tháng, gia cầm 7 đến 8 tháng,
cá 3 đến 4 tháng, bánh kẹo từ 1 đến 6 tháng. Muốn bảo quản lâu hơn phải giảm
nhiệt độ bảo quản xuống thấp hơn nữa.
4. Kết đông chậm và kết đông nhanh đều có cùng ưu
điểm?
SAI. Trong công nghệ lạnh
đông thực phẩm có một công đoạn kết đông xuống âm 18OC. Kết đông chậm, các tinh
thể đá hình thành trong quá trình kết đông có kích thước lớn, xé rách màng tế
bào. Khi rã đông để nấu, một phần dịch tế bào bị tổn thất do chảy qua màng tế
bào làm cho chất lượng bị giảm.
Tuy nhiên nếu là thịt
trâu, thịt gà già kết đông chậm thì lại làm cho thịt đỡ dai, mềm và ngon hơn. Kết
đông nhanh và cực nhanh, tinh thể đá mịn hơn, dịch tế bào được bảo quản tốt hơn
nên chất lượng sản phẩm tốt hơn. Kết đông nhanh chỉ có thể thực hiện trên máy kết
đông ở nhà máy, còn ở ngăn đông của tủ lạnh gia đình thì kết đông chậm hơn.
5. Cần phải rã đông thực phẩm thật nhanh?
ĐÚNG. Rã đông là quá
trình ngược của kết đông, đưa thực phẩm trở lại trạng thái ban đầu vốn có của
nó. Rã đông nhanh ngăn chặn được sự thâm nhập và phát triển của vi khuẩn, hạn
chế tổn thất dịch bào và khối lượng sản phẩm đến mức thấp nhất.
Một miếng thịt rã đông
xong để ở nhiệt độ 20OC trong vài giờ có thể có tới 10 tỷ mầm vi khuẩn/1gam thịt.
Ăn miếng thịt này có thể nguy hiểm. Để hạn chế tối đa việc mất các vitamin cũng
như dịch bào, chất lượng và hương vị, tốt nhất nên chế biến ngay sau khi rã
đông.
Có thể sử dụng lò vi
sóng để rã đông. Tốt nhất nên rã đông bằng cách cho vào ngăn lạnh của tủ lạnh,
sau một ngày lấy ra sử dụng, vừa tiết kiệm điện chạy tủ lạnh vừa duy trì nhiệt
độ lạnh cho sản phẩm, tránh sự xâm nhập của vi khuẩn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét